BÀI TUYÊN TRUYỀN MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP LÚC GIAO MÙA VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
Thứ ba - 20/02/2024 09:27
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu. Để chủ động phòng tránh dịch bệnh Trường Mầm non Dân Hoà gửi tới cán bộ giáo viên nhân viên và phụ huynh một số thông tin về bệnh thường gặp lúc giao mùa như sau: - Cảm cúm: cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra khi cơ thể con người không thích nghi kịp với những biến đổi của thời tiết, môi trường xung quanh, nhất là với những người sức đề kháng không cao như người già hay trẻ em. Vì vậy, người lớn tuổi cần hết sức cẩn thận, giữ ấm khi ra ngoài, các mẹ cần lưu ý đeo khẩu trang và tránh để con tiếp xúc với người lạ, trẻ mắc cúm. - Sốt xuất huyết: sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu virus Dengue (DEN) gây ra. Bệnh lây do loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đốt từ người bệnh truyền sang cho người lành. Bệnh sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết (chảy máu). Sự nguy hiểm của bệnh là giảm lượng tiểu cầu trong máu, nếu lượng tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu không cầm được, nếu chảy máu ở nội tạng người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng. Do đó, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. - Bệnh sởi: sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra. Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ dẫn đến tử vong. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi (mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi; mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi). - Bệnh tay chân miệng: Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ lần lượt có biểu hiện mệt mỏi, sốt và phát ban. Tuy nhiên, những nốt ban ở trẻ sẽ tùy thuộc vào loại virus gây bệnh, có thể có các hình thái: Những mụn nước hình bầu dục, nhỏ, màu trắng, mọc nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng. Trẻ sẽ thấy đau miệng và cổ họng khiến trẻ ăn uống kém hơn. Những nốt ban có màu đỏ, vảy nâu, thường xuất hiện ở mặt ngoài của cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân, quanh miệng, mông trên và hiếm khi xuất hiện bên trong miệng. Đối với các trường hợp này, trẻ vẫn có thể ăn uống bình thường. Các triệu chứng của bệnh thường sẽ xuất hiện trong khoảng từ 3 – 7 ngày sau khi trẻ bị nhiễm bệnh và sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày. Các vết ban, mụn nước do bệnh tay chân miệng thường không đau, không có cảm giác ngứa. - Bệnh Thuỷ đậu: là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu gây ra. Bệnh sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ l - 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn bệnh.Sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi là điều thông thường Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh - Bệnh Quai bị: là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị. Biểu hiện của bệnh là Sốt cao đột ngột, chán ăn, đau đầu. Sau khi sốt 1-3 ngày; tuyến nước bọt đau nhức, sưng to, có thể sưng ở một hoặc cả hai bên, khiến khuôn mặt bệnh nhân bị biến dạng, khó nhai, khó nuốt. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị. Buồn nôn, nôn. Đau cơ, nhức mỏi toàn thân. Mệt mỏi. Có thể sưng bìu và đau tinh hoàn.
* Để phòng bệnh cần: - Giữ ấm khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc đi học vào buổi sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. - Không nên tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá. - Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá. - Rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi thấy tay bẩn. - Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả. - Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất hàng ngày. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch. - Tiêm phòng vắc xin để phòng chống các loại bệnh cho trẻ. * Trong nhà trường: - Tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tốt các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. - Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm phục vụ ăn bán trú. Điều chỉnh thực đơn trong tuần, sử dụng các loại thực phẩm đa dạng, phong phú đảm bảo lượng và chất trong bữa ăn cho trẻ, thực hiện nghiêm túc quy định về lưu mẫu thức ăn. - Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Phát quang bụi rậm, xử lý rác thải phế liệu, phun thuốc diệt khuẩn, côn trùng trong khuôn viên nhà trường. - Chúng ta cần tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh, đồng thời, thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng như: + Ăn chín, uống sôi, chọn mua thực phẩm tươi sạch. + Không để thức ăn sống, chín lẫn nhau. + Ăn ngay sau khi nấu xong (tốt nhất là 2 giờ đầu); + Đun chín kỹ các loại thức ăn khi sử dụng lại. + Không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng. + Thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh. + Rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. - Các nhóm lớp: Thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi và sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh trong và ngoài lớp học, đồ dùng đồ chơi hàng ngày, hàng tuần cho sạch sẽ.