1. Cúm A là gì?
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.
2. Đường lây truyền
Cúm A rất dễ lây lan từ người sang người thông qua các giọt dịch tiết trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Khoảng cách lây nhiễm có thể lên tới gần 2m. Ngoài ra cúm A còn có thể lây lan nếu bạn chạm vào các bề mặt/ vật dụng có chứa vi rút cúm rồi sau đó đưa tay chạm mắt, mũi, miệng.
Bệnh có thể lây từ người này sang người khác ngay trong thời gian ủ bệnh – trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng. Vi rút có thể lây nhiễm từ 1 ngày trước khi phát bệnh cho tới 1 tuần sau đó. Riêng đối với trẻ em hoặc người có sức khỏe kém thì thời gian lây nhiễm có thể kéo dài hơn.
3. Các triệu chứng của cúm A
- Sốt cao (trên 38°C), ớn lạnh
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Đau họng, mệt mỏi, khó thở
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Đau đầu, đau cơ
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy (có thể gặp ở trẻ nhỏ) Khi có các dấu hiệu này, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Bệnh cúm A có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

4. Các biện pháp phòng chống dịch cúm A
Để bảo vệ sức khỏe cho các bé trong trường mầm non, các biện pháp phòng chống dịch cúm A là rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp cần thiết:
* Vệ sinh cá nhân và môi trường học tập
- Rửa tay thường xuyên: Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất trong 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi chơi với các đồ vật chung.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Khẩu trang là một biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa vi rút cúm lây lan qua đường hô hấp.
- Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách: Che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng.
- Giữ vệ sinh môi trường lớp học: Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lớp học, lau sạch các bề mặt, đồ chơi, vật dụng mà trẻ tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch sát khuẩn và mở cửa thông thoáng.
* Giảm tiếp xúc với người mắc bệnh
- Nếu trẻ có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tiêu chảy…thì báo ngay cho phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm. Nếu được xác định mắc cúm A thì cần được cách ly, đeo khẩu trang và xử lý phòng tránh lây lan.
- Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
* Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Đảm bảo trẻ ăn đủ chất, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C (như cam, quýt, bưởi) để tăng cường sức đề kháng.
- Vận động ngoài trời: Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, chơi ngoài trời để cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt.
* Tiêm phòng vắc-xin cúm
- Tiêm vắc-xin phòng cúm là biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm A. Phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tiêm vắc-xin phòng cúm cho trẻ đúng lịch.
