Hiện nay thời tiết đang giao mùa, độ ẩm không khí rất cao là môi trường thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan, đặc biệt là bệnh thủy đậu.
1. Bệnh thủy đậu là gì:
Bệnh thủy đậu (còn gọi là phỏng dạ hay trái dạ) là bệnh nhiễm cấp tính do virus gây nên.
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất.
2. Bệnh thuỷ đậu truyền nhiễm như thế nào?
Lây qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt, nước mũi của người bệnh bắn ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi, chảy nước mũi…
Lây qua tiếp xúc với đồ vật, dụng cụ (khăn, cốc, bát, tay vịn cầu thang…) bị nhiễm virus hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với bọng nước bị vỡ.
Lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai và trong khi đẻ.
3. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết:
- Triệu chứng thường xuất hiện từ 14 đến 16 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên với người bệnh.
- Biểu hiện của bệnh:
+ Sốt nhẹ từ 1 đến 2 ngày.
+ Cảm giác mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người và toàn thân phát ban.
+ Ban thuỷ đậu thường dưới dạng những chấm đỏ lúc đầu sau đó phát triển thành các mụn nước.
+ Đầu tiên ban mọc ở đầu, mặt, cổ, thân người và các chi.
+ Ban thuỷ đậu thường rất ngứa.

4. Biến chứng của thủy đậu
Biến chứng của bệnh thủy đậu rất là nhiều, mặc dù đây là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn. Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng.
Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, virus thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông).
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay, chân, trẻ bị bại não, sẹo bẩm sinh…
5. Cần làm gì khi trẻ mắc bệnh thuỷ đậu
Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn
Dùng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế
Cách ly trẻ trong phòng riêng, thoáng mát, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời
Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý
Giữ vệ sinh da để phòng nhiễm khuẩn
Tắm rửa và thay quần áo cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm. Không chà sát mạnh lên da trẻ khi tắm để tránh làm vỡ mụn nước.
Mặc quần áo bằng vải mềm, thấm mồ hôi
Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá, đủ chất
Cho trẻ uống nhiều nước đặc biệt là nước hoa quả
Không nên đắp các loại lá cây lên nốt mụn
6. Phòng bệnh thuỷ đậu bằng cách nào?
- Khi tiếp xúc với trẻ, mẹ cần đeo khẩu trang.
- Cho trẻ dùng riêng đồ sinh hoạt cá nhân
- Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Thường xuyên thay quần áo cho trẻ.
- Hạn chế nguy cơ làm vỡ những nốt thủy đậu để tránh nhiễm trùng.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ.
- Cho trẻ cách ly tại nhà, không nên cho trẻ đến những nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
- Khử trùng đồ dùng, đồ chơi của trẻ; vệ sinh nhà cửa, trường học bằng dung dịch sát khuẩn thông thường
- Tiêm phòng bệnh thủy đậu là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả và đơn giản. Tuy nhiên, cần tiêm phòng theo đúng lịch và ở những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo nguồn vắc xin chất lượng và hiệu quả.
- Lịch tiêm:
+ Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều 0,5ml dưới da;
+ Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.
