SKKN:“ Một số biện pháp phát huy tính tích cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi ở trường mầm non”

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài
         Như chúng ta đã biết quan điểm giáo dục hiện nay là “ Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, nếu vận dụng một cách linh hoạt quan điểm này ta sẽ phát huy được tính tích cực và chủ động sáng tạo của trẻ. Trong quá trình tiếp cận ấy, các sự vật hiện tượng xung quanh là những đối tượng cho trẻ tìm hiểu, mở mang hiểu biết. Quá trình tìm hiểu này, nếu được người lớn và cô giáo tổ chức hướng dẫn một cách khoa học sẽ dẫn đến khám phá tìm tòi thực sự cho trẻ.
         Ngay từ khi sinh ra trẻ đã thích được nhìn mọi người, mọi vật xung quanh, đến khi biết bò, trẻ bò khắp nơi để tìm tòi khám phá mọi thứ, từ đó trẻ tích luỹ kinh nghiệm cũng như kỹ năng sống cho mình (VD: Sờ tay vào nước nóng ở trong cốc sẽ bị bỏng tay, vì vậy lần sau trẻ sẽ không sờ tay vào nước nóng ở trong cốc nữa, mà trẻ có kỹ năng là chỉ sờ nhẹ tay vào bên ngoài cốc nước để kiểm tra xem nước nóng ở mức độ như thế nào?). Đến khi biết đi, trẻ đi mọi nơi, mọi ngóc ngách để khám phá, muốn nhìn, nghe, sờ tận tay, nếm, cầm nắm, ngửi…sử dụng và gọi tên các đối tượng, bắt chước và tìm các đối tượng bị giấu đi, trẻ thích thú hoạt động với đồ vật và các nguyên vật liệu bằng các cách khác nhau.
          Rồi đến tuổi mầm non trẻ càng tích cực tìm tòi khám phá, nhưng lúc này trẻ đã có một số hiểu biết về thế giới xung quanh nên khi cô cho trẻ khám phá những gì trẻ đã biết thì trẻ sẽ nhàm chán, ngược lại khi cô cho trẻ khám phá những gì mới lạ trẻ sẽ hăng say, thích thú, khao khát muốn biết, muốn tìm hiểu để giải đáp những thắc mắc, bằng những câu hỏi vì sao lại thế? Sao lại thế này? sao không phải là thế kia?…Vậy, khi đó vai trò và nhiệm vụ của cô giáo chính là kích thích sự tò mò của trẻ, gợi mở khả năng tư duy, suy đoán, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ tự giải quyết vấn đề khám phá một cách tích cực và chủ động.
Tuy nhiên, thực tế tôi thấy khá nhiều bất cập trong việc giáo viên chúng tôi tổ chức các hoạt động khám phá cho trẻ. Chúng tôi đã đặt ra cho mình những câu hỏi như :
+ Trong những tiết khám phá, trẻ được thấy những gì? được nói những gì? được biết những gì? được làm những gì?....
+ Trẻ được chủ động bày tỏ vốn hiểu biết của mình hay là do cô áp đặt?
+ Trẻ được tự mình thu lượm những kiến thức cuộc sống hay trẻ phải cố ghi nhớ tất cả những gì mà cô giáo truyền tải?
+ Cảm xúc của trẻ ra sao trong những giờ hoạt động khám phá?
+ Trẻ được làm những gì mà trẻ mong muốn hay chỉ quan sát cô giáo làm mà thôi?
Chỉ xoay quanh những câu hỏi đó thôi đã khiến tôi tự suy ngẫm và giải đáp cho các câu hỏi của mình. Tôi hiểu, những hiệu quả giáo dục mà mình đã làm được thì không đáng kể, còn những tồn tại, hạn chế thì mình vướng phải khá nhiều. Điều đó đã khiến tôi quyết định lựa chọn đề tài “Một số biện pháp phát huy tính tích
cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi ở trường mầm non” làm đề tài
 nghiên cứu và thực nghiệm trong năm học 2019 – 2020.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu:
         2.1. Mục đích đề tài:
         Nuôi dưỡng, phát triển trí tò mò tự nhiên của trẻ về thế giới tự nhiên.
Mở rộng và trau dồi các kỹ năng quan sát, so sánh, phân loại, dự đoán, suy luận, chia sẻ thông tin, giải quyết vấn đề…cho trẻ.
         Nâng cao hiểu biết: Trẻ có nhiều kiến thức đơn giản về cơ thể, cách chăm sóc, giữ gìn bản thân. Trẻ có nhiều kiến thức ban đầu về mối quan hệ của động vật, thực vật và con người với môi trường sống, để trẻ biết giao tiếp, yêu thương những người xung quanh mình, biết chăm sóc, bảo vệ cây cối, bảo vệ con vật, động vật…
         Trẻ có một số kiến thức đơn giản về ngành nghề, văn hoá, phong tục tập quán của địa phương…
         Trẻ hứng thú với các hoạt động ở trường, lớp, thích được đến lớp, từ đó phụ huynh tin tưởng, yêu quý giáo viên.
         Góp phần  nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, theo sự định hướng chỉ đạo của ngành.
         2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
         Đánh giá thực trạng hoạt động khám phá trên lớp B2. Đề xuất một số biện pháp phát huy tính tích cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi ở trường mầm non.
         2.3. Thời gian, đối tượng, phương pháp nghiên cứu:
- Thời gian: Từ ngày 1/10/2019 – 10/03/1020
- Đối tượng: Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi trong trường Mầm non.
         - Phạm vi nghiên cứu: Tại lớp mẫu giáo nhỡ  B2
         - Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp quan sát, đàm thoại, thử nghiệm, thí nghiệm, thực hành, trò chơi,so sánh, đối chứng…phù hợp với đối tượng .
3. Khảo sát thực trạng của trẻ, cơ sở vật chất trước khi thực hiện đề tài.
3.1.Những thuận lợi, khó khăn:
* Thuận lợi
Lớp được sự quan tâm của ban giám hiệu, tạo điều kiện đối đa về cơ sở vật chất, tài liệu chuyên môn và các trang  thiết  bị dạy học hiện đại, nhiều đồ dùng các góc được thiết kế theo mô hình giáo dục tiên tiến, có sự tương tác cao đối với trẻ.
Đa số trẻ tích cực hứng thú, tập trung chú ý và có khả năng giải quyết vấn
đề, trẻ ngoan, thể lực tốt.
Bản thân được tham gia, học tập lớp bồi dưỡng chuyên môn và tham dự các hoạt động kiến tập, chuyên đề do phòng giáo dục và nhà trường tổ chức.
Ban giám hiệu nhiệt tình chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích, tạo động lực giúp giáo viên phát huy khả năng, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên
Giáo viên trong trường, lớp luôn đoàn kết tâm huyết với nghề, yêu thương trẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Bản thân tôi là tổ phó chuyên môn tổ mẫu giáo- Khối trưởng chuyên môn khối mẫu giáo nhỡ 4- 5 tuổi, có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, biết cách tổ chức hình thức dạy trẻ và áp dụng các phương pháp mới vào các hoạt động.
Được sự quan tâm ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh, học sinh trong việc phối kết hợp, chăm sóc giáo dục trẻ.
* Khó khăn:
Số trẻ nam đông hơn số trẻ nữ nên rất hiếu động trong các giờ hoạt động,
trẻ mẫu giáo dễ tiếp thu nhưng thường dễ quên những kiến thức vừa học.
Nhìn chung các con còn rụt rè, nhút nhát, chưa hòa đồng cùng bạn trong các hoạt động học tập và vui chơi.
Vốn biểu tượng của trẻ lớp tôi về các sự vật hiện tượng còn ít, đặc biệt rất dễ nhầm lẫn, khả năng quan sát, phân loại, so sánh, phỏng đoán, suy luận, giao tiếp của trẻ còn hạn chế.
Bản thân còn phụ thuộc nhiều vào các nội dung gợi ý trong chương trình,
chưa mạnh dạn lựa chọn các nội dung mới, còn nói nhiều, trẻ chưa thực sự được hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm, thử nghiệm, xem phim, tranh ảnh, mô hình… với học liệu, đồ dùng vật thật, thiên nhiên một cách hiệu quả.
Hệ thống câu hỏi chưa khai thác trẻ bộc lộ kinh nghiệm của bản thân, chưa kích thích trẻ hứng thú, tích cực. Chưa tạo điều kiện tối đa để trẻ phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu, tìm kiếm kiến thức.
Chưa chú trọng tổ chức hoạt động theo cá nhân, nhóm nhỏ để thúc đẩy trẻ hợp tác, trao đổi chia sẻ.
Bản thân đôi khi còn lúng túng trong việc thiết kế trò chơi và tổ chức trò chơi khám phá chưa linh hoạt.
3.2. Khảo sát thực trạng của trẻ
 * Bảng khảo sát đầu năm trước khi thực hiện đề tài.
(Tổng số trẻ điều tra 35/35 cháu = 100%)
BẢNG KHẢO SÁT ĐẦU NĂM

Nội dung khảo sát
 
Kết quả đầu năm
Đạt Không đạt
Số trẻ % Số trẻ %
Trẻ tích cực, hứng thú, tập trung 20/35 57,1% 15/35 42,8%
Khả năng quan sát 19/35 54,2% 16/35 45,7%
Khả năng phân loại 18/35 51,4% 17/35 48,5%
Khả năng so sánh 18/35 51,4% 17/35 48,5%
Khả năng phỏng đoán 17/35 48,5% 18/35 51,4%
Khả năng suy luận 15/35 42,8% 20/35 57,1%
Khả năng giải quyết vấn đề 21/35 60% 14/35 40%
Khả năng giao tiếp 18/35 51,4% 17/35 48,5%
* Đánh giá:
Qua khảo sát thực trang cho thấy, biểu tượng về hoạt động rất rời rạc, kiến thức toán còn hời hợt, nhanh nhớ, nhanh quên. Phần lớn kĩ năng so sánh, phân biệt, vận dụng thực hành còn yếu, trẻ không chủ động tham gia các hoạt động, tiếp thu kiến thức thụ động. Do đó, tại thời điểm khảo sát, các biểu tượng mà trẻ thu nhận được rất mơ hồ, có trẻ quên ngay sau khi vừa học xong. Trẻ chưa có vốn kinh nghiệm về hoạt động khám phá thiếu lô gic, không khoa học,…. Bên cạnh đó, đặc điểm của trẻ thường“ học vẹt” ngồi nghe cô nói, xem cô làm và ghi nhớ 1 cách máy móc.
Mặt khác, nhiều giáo viên khi tiến hành tổ chức các hoạt động khám phá còn mang tính rấp khuôn theo tài liệu hướng dẫn, thiếu đi sự linh hoạt, sáng tạo, không phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của trẻ. Đồng thời chưa đầu tư, tìm tòi, chưa lồng ghép, tích hợp 1 cách có hiệu quả các bộ môn, các hoạt động nhằm gây sự hứng thú, thu hút trẻ.
Tôi hiểu, những hiệu quả giáo dục mà mình đã làm được thì không đáng kể, còn những tồn tại, hạn chế thì mình vướng phải khá nhiều. Điều đó đã khiến tôi quyết định lựa chọn đề tài một số biện pháp phát huy tính tích cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi ở trường mầm non làm đề tài nghiên cứu và thực nghiệm trong năm học 2019 – 2020.
3.3. Khảo sát cơ sở vật chất:
Đồ dùng khám phá: Được sự quan tâm đầu tư của ban giám hiệu, đồ dùng khám phá  đã được nhà trường đã đầu tư mua sắm tương đối đầy đủ đồ dùng để hoạt động.
Khung cảnh nhà trường khang trang, mang tính sư phạm, môi trường cảnh quan sạch đẹp có nhiều thuận lợi để tổ chức các hoạt động nói chung và hoat động khám phá nói riêng.
Được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cho giáo viên và học sinh.
* Đánh giá:
 Dựa vào khảo sát tôi đánh giá được sự tồn tại của thưc trạng là: Tuy đã được đầu tư mua sắm đồ dùng khám phá tương đối đầy đủ, song chưa được phong phú mới lạ, nên chưa thu hút được sự chú ý của trẻ.
Đồ dùng khám phá được trang bị tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn một số
giáo viên còn lúng túng trong khi sử dụng, hoặc chưa biết sử dụng ví dụ như
việc khai thác bài trên PowerPoint, trên mạng internet….
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
1. Tên sáng kiến kinh nghiệm
Một số biện pháp phát huy tính tích cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non”.
2. Biện pháp thực hiện
3.1. Biện pháp 1: Tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyện nghiệp vụ cho bản thân trong việc tổ chức hoạt động khám phá cho trẻ theo định hướng đổi
mới của ngành.
          Để phục vụ cho nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ, đòi hỏi người giáo viên mầm non phải có phẩm chất, trình độ, năng lực và nhân cách nhà giáo, lòng nhân ái tận tụy thương yêu trẻ, thể hiện ở tinh thần tự học, tự bồi dưỡng cải tiến nội dung phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tham gia tích cực các hoạt động.
          Từ nhận thức trên là một giáo viên mầm non, tôi đã xác định việc tự bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mà mình không được phép sao lãng, phải bằng mọi cách để chính bản thân mình phải có đủ trình độ năng lực, sức khỏe, mẫu mực, có đủ khả năng chăm sóc trẻ theo yêu cầu hiện nay. Chẳng hạn, phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm được coi là phương pháp dạy học tích cực, giáo viên nên giao nhiệm vụ tổ chức cho trẻ cùng thảo luận khám khá để tìm ra kiến thức mà trẻ cần đạt ở bài học.
          Ngoài ra, tôi không ngừng học hỏi các giáo viên trong trựờng cũng như các bạn bè đồng nghiệp ở các trường mầm non và tôi đã mở rộng thêm vốn kinh nghiệm cho mình khi tổ chức các hoạt động khám phá cho trẻ như sau:
 Muốn đạt kết quả tốt trong giờ dạy thì tôi phải nắm vững được nội dung, yêu cầu cần đạt của bài. Từ đó mới định hướng nội dung, cách làm, biện pháp tiến hành để đạt được yêu cầu của bài.
          Yêu cầu của hoạt động khám phá là: Tôi phải nắm vững các phương pháp, hình thức giảng dạy, tiết dạy phải hấp dẫn, thu hút sự chú ý của trẻ vào hoạt động, tôi phải chỉ dẫn, hướng dẫn trẻ rõ ràng (bằng lời nói, hình ảnh…) để mọi trẻ hứng thú, tích cực, sáng tạo, mở rộng suy nghĩ, ý tưởng của trẻ tham gia vào hoạt động.
          Tôi phải chủ động, linh hoạt tạo cơ hội cho trẻ thực hành các kĩ năng: Quan sát, so sánh, phân loại, dự đoán, thử nghiệm, thảo luận…cho thích hợp với các tình huống của hoạt động cụ thể. Khả năng nhận thức của trẻ được phát triển khi trẻ khám phá, thử nghiệm với môi trường vật chất, lĩnh hội các quá trình tư duy khoa học trong giải quyết vấn đề, suy luận, phỏng đoán.
          Bản thân tôi cần tạo cơ hội cho trẻ : Tìm hiểu các đồ vật và các nguyên vật liệu bằng cách sử dụng tất cả các giác quan một cách thích hợp; khám phá và nhận ra những nét đặc trưng của các vật sống (con người, động vật, thực vật), đồ vật và những sự việc quan sát được; xem xét một cách tỉ mỉ những nét giống nhau, khác nhau và những thay đổi của sự vật, hiện tượng.
          Chấp nhận sự lộn xộn trong quá trình tìm hiểu, trải nghiệm và sáng tạo ra các sản phẩm, cho phép trẻ mắc lỗi, không nên làm trẻ cảm thấy sợ khi trải nghiệm điều gì mới, khi trẻ thất bại, trẻ cần được động viên để thử lại và được khen ngợi cho sự lỗ lực.
          Kết thúc hoạt động rất quan trọng, cô giáo cần tạo cho trẻ cảm giác hoàn thành nhiệm vụ, tạo hứng thú với các hoạt động tiếp theo. Trẻ cùng tham gia dọn dẹp sau hoạt động, dạy cho trẻ ý thức trách nhiệm, sự quan tâm đối với đồ dùng.
3.2. Biện pháp 2: Xác định nhu cầu khám phá của trẻ đối với hoạt động khám phá.
         Từ tâm lý trẻ thích khám phá những điều mới lạ nên tôi mạnh dạn đưa những chủ đề mới lạ vào cho trẻ khám phá. Trước khi đưa ra chủ đề, tôi tìm hiểu nhu cầu, sở thích và khả năng nhận thức của từng trẻ để có đề tài và nội dung khám phá phù hợp. Ngoài ra tôi còn chủ động linh hoạt tận dụng các thời điểm, các sự kiện phù hợp để khai thác vốn hiểu biết của trẻ, tích hợp hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ trong các hoạt động khác một cách hợp lý. Việc khảo sát nhu cầu khám phá của trẻ được tôi tiến hành như sau:
         - Hình thức 1: Lựa chọn thông qua hình ảnh.
         Để thực sự lấy trẻ làm trung tâm trong hoạt động khám phá tôi đã lựa chọn hình thức cho trẻ tự chọn ra chủ đề mà trẻ thích khám phá thông qua các hình ảnh tượng trưng.
         Ví dụ: Hình ảnh con vật, cây cối, đồ dùng con người, hiện tượng tự nhiên..
         Từ vô số các hình ảnh đó, trẻ tự do chọn cho mình những hình ảnh mà trẻ thích. Sau đó cô thống kê các ý kiến lựa chọn và quyết định đưa vào kế hoạch chủ đề khám phá trong năm học của nhóm lớp.
         - Hình thức 2: Lựa chọn thông qua hoạt động khảo sát.
         Ở hình thức này tôi và giáo viên cùng lớp thực hiện một số hoạt động mang tính chất giới thiệu để trẻ tò mò, hứng thú sau đó sẽ lựa chọn chủ đề khám phá.
         Ví dụ:  Nhóm 1: Tôi làm thí nghiệm tan và không tan cho trẻ xem.
         Nhóm 2: Cô B làm thí nghiệm sức hút của nam châm
         Trẻ sẽ quan sát xem từng cô làm thí nghiệm và lựa chọn những đối tượng khám phá mà mình thích. Hoặc tôi cho trẻ xem các đoạn clip ngắn về các hoạt động thí nghiệm, sau đó tôi quan sát, chú ý xem trẻ quan tâm, thích thú  hoạt động nào thì sẽ lựa chọn chủ đề đó cho trẻ khám phá trong năm học.
         - Hình thức 3: Lựa chọn chủ đề khám phá thông qua trò chuyện với trẻ.
         Với hình thức trò chuyện này, tôi đã phải xác định ra hệ thống các câu hỏi để đặt ra với trẻ về các sự vật hiện tượng, con người và đối tượng khám phá như:
         + Hôm qua cô đi đường, cô nhìn thấy một chú cảnh sát giao thông. Chúng mình có biết chú cảnh sát giao thông đó trông như thế nào không? Chú cầm gì trong tay?...Chú làm gì trên đường phố?...
         + Lớp mình bạn nào được đi siêu thị rồi? Ở siêu thị có những gì?...
         Với những câu hỏi đặt ra, tôi chú ý quan sát phản ứng của trẻ khi tôi giới thiệu đối tượng khám phá. Nếu trẻ hứng thú trao đổi thông tin về đối tượng khám phá nào, tôi sẽ lựa chọn đối tượng đó đưa vào kế hoạch khám phá chủ đề của lớp.
         - Hình thức 4: Đưa vật thật để trẻ lựa chọn.
         Tôi sưu tầm và bày ra trước mắt trẻ một số đồ dùng, đồ chơi, vật dụng... và cho trẻ chọn ra những đồ dùng, đồ chơi, vật dụng mà trẻ thích. Kết quả trên trẻ, chính là sự lựa chọn đối tượng khám phá trong kế hoạch chủ đề của lớp tôi.
         Ví dụ:  Những chiếc ống hút hay những viên sỏi là một trong số đồ dùng, vật dụng bé thích....sẽ được chọn làm đề tài cho trẻ khám phá .
Từ việc xác định được nhu cầu khám phá của trẻ trong hoạt động khám phá sẽ giúp cho tôi tìm ra những hoạt động phù hợp với khả năng của trẻ và đối với trẻ sẽ tăng khả năng cảm nhận, trả lời tốt những câu hỏi thực tế của bài học và các hoạt động thực tế.
         3.3. Biện pháp 3: Tạo môi trường, tăng cường các hoạt động giao lưu trải nghiệm, thí nghiệm, thử nghiệm cho trẻ tích cực hoạt động khám phá.
         a. Xây dựng môi trường khám phá trong lớp học.
         Trên thực tế có một đặc điểm chung ở tại góc khám phá của các nhóm lớp trong các trường mầm non là đơn điệu, sơ sài, bày biện mang tính hình thức, chưa phát huy tối đa được tính chủ động, hiệu quả ở trẻ khi tham gia hoạt động.
Xuất phát từ tồn tại này, cộng với sự chỉ đạo, tư vấn của ban giám hiệu tôi đã
đổi mới hoàn toàn trong việc bày trí lại góc khám phá ở lớp của mình với mục tiêu“ Tích cực hóa, hiệu quả hóa” hoạt động của trẻ cụ thể như sau:
         * Trong góc khám phá tôi bố trí 2 dạng bài tập cho trẻ thực hiện:
         - Một là: Bài tập trên giấy (đối với khám phá xã hội)tôi dập lỗ tạo thành bộ sưu tập treo lên trên mảng tường của góc để trẻ chủ động lấy xuống và thực hiện hàng ngày.
         Ví dụ: Một số bài tập trên giấy.
         
         - Hai là: Bài tập theo bộ xếp trong hộp (đối với khám phá khoa học).
         - Để phong phú các bài tập trong góc khám phá tôi đã lập bảng để xác định các đồ dùng cần có trong góc và dự kiến hình thức đầu tư, huy động như sau:
         Ví dụ:
Bài tập thí nghiệm Đồ dùng cần có Số lượng Hình thức đầu tư, huy động
Thí nghiệm nóng – Lạnh Cốc đựng nước nóng
Cốc đựng nước lạnh
(Có thể sử dụng chai nhựa)
01
01
02
Tự sưu tâm
Tự sưu tầm
Tự sưu tâm
Pha màu đổi màu Màu nước (xanh, đỏ, vàng)
Chổi vẽ
Chai (lọ, cốc)
Xô nước nhỏ
03
10
10
02
Đồ dùng của lớp
Đồ dùng của lớp
Sưu tầm
Đồ dùng của lớp
Vật chìm – Vật nổi Thuyền giấy
Chậu nước nhỏ
Sỏi, đá
02
01
10
Đồ dùng tự tạo
Đồ dùng của lớp
Đồ dùng tự tạo
         Ngoài các bài tập cho trẻ thực hiện ra, trong góc khám phá của lớp tôi còn dành một chút không gian để trẻ bày những sự vật sưu tầm được khi ra vườn làm nhà khảo cổ học tí hon như: những chiếc lông, vỏ con ốc sên, tổ tò vò, tổ ong, những viên sỏi đặc biệt. Trẻ ghi lại kết quả khám phá bằng cách vẽ, tô màu, gắn hình ảnh vào các bảng đó với từng bài tập thí nghiệm.
Sau khi đã thu thập đủ các đồ dùng cần có trong góc khám phá. Tôi sắp xếp
các đồ dùng (KPKH) theo từng bộ bài tập có nhãn mác ký hiệu dán bên ngoài hộp, sau đó tôi xếp lên tủ đồ dùng tại góc khám phá. Đối với các bài tập trên giấy (khám phá xã hội) tôi dập lỗ tạo thành bộ sưu tập treo lên trên mảng tường của góc để trẻ chủ động lấy xuống và thực hiện hàng ngày .
         b. Tạo môi trường hoạt động ngoài trời cho trẻ.
         Nhằm phát triển khả năng khám phá, tìm tòi của trẻ, trên cơ sở đó tạo tiền đề cho sự phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Tạo môi trường hoạt động ngoài trời cho trẻ là một hoạt động hết sức cần thiết trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non. Tạo ra những điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi, tập thể,  nhóm hay cá nhân. Nhằm giúp trẻ hoàn thiện và phát triển một số kỹ năng, kỹ xảo, của các hoạt động tìm hiểu, khám phá môi trường như: chơi với cát, nước... vườn cây, con vật nuôi, con đường, vườn cây, đồ chơi ngoài
ngoài trời, cây dây leo…
* Khám phá trực tiếp sự vật hiện tượng xung quanh trẻ qua hoạt động ngoài trời:
         Môi trường cho trẻ hoạt động ngoài trời có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp trẻ khám phá và phát hiện nhiều điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống, các kiến thức kỹ năng của trẻ được củng cố và bổ xung. Khi hoạt động ngoài trời trẻ còn được hình thành và rèn luyện các kỹ năng chăm sóc cây như tưới cây, sới đất, bắt sâu cho cây...
         Ví dụ 1: Với hoạt động:“khám phá một số loại cây, hoa”được củng cố với hoạt động quan sát ở hoạt động ngoài trời. Hay với hoạt động khám phá về gió tự nhiên và gió nhân tạo ta cũng có thể củng cố kiến thức cho trẻ về gió tự nhiên, vào một ngày đẹp trời có gió thì tôi cho trẻ hoạt động ngoài trời để cảm nhận được hiện tượng tự nhiên này rõ ràng hơn mà trẻ rất hào hứng.
         Ví dụ 2: Với hoạt động:“nhặt lá trong sân trường”trẻ vừa được tham gia lao động, biết được ích lợi của việc lao động và giữ gìn vệ sinh chung mà trẻ còn được tự mình trải nghiệm, khám phá về đặc điểm của lá cây và tác dụng của lá cây khi biết biến nó thành những hoạt động có ích như: Tạo bức tranh bằng lá cây, bộ sưu tập về lá cây hay xếp hình các con vật bằng lá cây ...
         Qua đó đã tạo ý thức cho trẻ, biết cùng người lớn tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp để hàng ngày trẻ được dạo chơi, quan sát, tạo điều kiện cho hoạt động của cô và trẻ đa dạng, hấp dẫn nhiều hơn. Trẻ được cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và hình thành thái độ tốt với môi trường. Môi trường hoạt động ngoài trời tốt sẽ thu hút sự hứng thú và gây cho trẻ cảm xúc tốt khi trẻ vào hoạt động học tại lớp, lúc này những tri thức trẻ tích lũy được khi hoạt động ngoài trời được phát huy trong giờ học tốt hơn, trẻ hào hứng hơn khi tham gia hoạt động khám phá...
         Như vậy những kiến thức về các sự vật hiện tượng là một kho báu đối với thế giới tri thức của trẻ, trẻ có thông minh nhanh nhẹn, hay hoạt bát đó là nhờ vào những hoạt động đầy bổ ích mà cô giáo và những người lớn xung quanh trẻ giúp trẻ tìm hiểm khám phá, trẻ càng thích tìm tòi khám phá bao nhiêu thì tư duy của trẻ càng phát triển mạnh mẽ bấy nhiêu, đó cũng là hành trang giúp trẻ phát triển thành những con người trong thế giới khoa học công nghệ sau này.
          c. Tăng cường cho trẻ được trải nghiệm thực tế  tiếp xúc với đối tượng khám phá là người thật, vật thật. Tham gia vào một số thí nghiệm và thử nghiệm từ đó có những ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống
         Nếu như trước đây tổ chức hoạt động học, hoạt động chơi cho trẻ chủ yếu vẫn mang  tính thuyết trình, giảng giải, trẻ thụ động làm theo cô, phần lớn thời gian học của trẻ là ngồi trong lớp và theo hình chữ u làm giảm đi tính tích cực của trẻ.      
         Bởi vậy tôi cho trẻ được giao lưu trải nghiệm thực tế, trẻ là người thảo luận với nhau những gì mình nhìn thấy, khuyến kích trẻ tích cực tự tin, thoải mái đưa ra ý kiến. Tôi thấy trẻ rất thích và hứng thú hơn rất nhiều, phương pháp thực hành thí nghiệm mang lại hiệu quả giáo dục cao. Thông qua các thao tác nhìn, sờ, nếm, ngửi…trẻ dễ dàng lĩnh hội nắm bắt và khắc sâu kiến thức, tích lũy vốn kinh nghiệm cho bản thân.
         Ví dụ 1: Khi tìm hiểu về quả cam, tôi dùng quả cam thật cho trẻ quan sát và trải nghiệm, cho trẻ nếm, ngửi. Đây là quả gì? nhìn xem quả cam có hình gì? Màu gì? Hãy sờ xem vỏ của chúng có đặc điểm gì? muốn biết cam có mùi gì hãy đưa lên mũi ngửi xem nào…Tôi  bổ cam và cho trẻ nếm thử vị của cam sau đó hỏi trẻ về vị của cam (có trẻ nói chua, trẻ nói ngọt). Và khi được trải nghiệm thực tế thì trẻ đã nắm vững những kiến thức tôi muốn truyền đạt.
         * Không những vậy để trẻ tích lũy kĩ năng và thực sự tích cực tham gia vào hoạt động khám phá thì tôi còn thực hiện bằng cách tăng cường cho trẻ tham quan thực tế:
         Ví dụ: Tham quan “Khu vườn sinh thái Erahause” để trẻ hình thành những khái niệm về khu vườn sinh thái ( Môi trường, điều kiện, quá trình, …) từ đó trẻ dần hình thành những biểu tượng, những thói quen và trang bị thêm cho mình những hiểu biết về hệ sinh thái và thế giới xung quanh trẻ
Như vậy, qua những hoạt động thực tế đã giúp trẻ nhận thức một cách cụ thể, chi tiết và rõ ràng về đối tượng khám phá bằng các giác quan của trẻ, từ đó trẻ tích lũy và áp dụng kinh nghiệm vào cuộc sống của mình 1 cách đơn giản và hiệu quả.
3.4. Biện pháp 4: Tổ chức hiệu quả giờ học khám phá cho trẻ bằng cách Tạo hứng thú, sử dụng hệ thốngcâu hỏi giúp trẻ khám phá tích cực và hiệu quả.
         Trong các hoạt động học của trẻ thì hoạt động khám phá là 01 hoạt động mang tính chất “Tĩnh”, vì đặc thù riêng của nó là một hoạt động đòi hỏi ở trẻ sự tập trung quan sát, suy nghĩ, tư duy, suy luận, phán đoán và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý dựa trên cơ sở khoa học nhất định. Chính vì lẽ đó mà giáo viên chúng tôi thường e ngại khi tổ chức giờ học này, đặc biệt là khi có đoàn kiểm tra hay chuẩn bị cho tiết thao giảng, hội thi…Bởi sở dĩ, ngoài tính chất khô khan của giờ học lại cộng thêm kiến thức khoa học, kinh nghiệm áp dụng hình thức đổi mới chưa vững vàng thì quả là điều khó khăn và hạn chế của giáo viên chúng tôi.
         Để có được sự thành công, trước tiên chúng ta phải nhìn được cái tồn tại, hạn chế…từ đó, có sự điều chỉnh, khắc phục nó một cách triệt để, nó sẽ mang lại thành công cho chúng ta. Với tôi, tôi nhận thấy những vướng mắc cơ bản mà đa phần giáo viên chúng tôi để nó xảy ra, cụ thể đó là:
+ Trẻ ít có cơ hội trải nghiệm để tích lỹ vốn hiểu biết trước khi tham gia HĐ khám phá chủ đề. Điều đó dẫn đến việc trẻ không biết sẽ nói gì? Hỏi gì? Và trả lời cô như thế nào về đối tượng khám phá.
+ Giáo viên nói nhiều, nghĩ thay, nói thay và làm thay trẻ khá nhiều việc.
+ Trẻ không có cơ hội được bộc lộ vốn kinh nghiệm, ý kiến cá nhân nhiều. Chủ yếu chỉ ưu tiên đối với một số bạn nổi trội trong lớp.
+ Tiết học đặt nặng về kiến thức mà chưa quan tâm đến kỹ năng thực hành của trẻ, đặc biệt là chưa có sự ứng dụng kiến thức và kỹ năng của trẻ vào thực tiễn nhiều. Vì thế mà các giờ học thường bị lan man, tẻ nhạt, hứng thú của trẻ không cao.
 Và quan trọng nhất đó là sự định hướng tổ chức giờ khám phá của giáo viên thể hiện qua bài soạn chưa thực sự hợp lý. Điều này, đã khiến tôi trăn trở, và tôi đã nghiên cứu tài liệu chuyên môn, trao đổi với ban giám hiệu nhà trường để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, mở rộng thêm vốn hiểu biết của mình. Và giờ đây, tôi thấy tự tin hơn rất nhiều bởi tôi có thể tổ chức thành công các giờ hoạt động khám phá cho trẻ với phương pháp soạn bài hợp lý của mình:
Ví dụ:
                                                TIẾN HÀNH
1. Ổn định, tạo hứng thú:
        - Hướng sự quan tâm của trẻ vào đối tượng bằng các cách khác nhau.
        - Hoặc đặt câu hỏi về đối tượng sẽ khám phá.
2. Phương pháp, hình thức:
* Hoạt động 1: Khơi gợi vốn kinh nghiệm.
        + Câu hỏi chung, phổ biến:
        - Trong lớp mình bạn nào biết hay đã nhìn thấy......?
        - Các con đã nhìn thấy cái (con, quả...) ở những nơi nào (ở đâu)?
        - Cái (con, quả...) đó có đặc điểm, hình dáng, màu sắc  như thế nào?
        - Cái (con, quả...) đó còn có những phần (bộ phận) nào nữa?
        - Khi chạm, cầm, nắm, nếm, ngửi..... nó các con cảm thấy nó như thế nào?
        - Ai đã từng bị ốm? Khi bị ốm con cảm thấy cơ thể của mình như thế nào? (đau, mỏi, nóng, lạnh, khát nước...)
* Hoạt động 2: Cho trẻ lựa chọn cách thức khám phá
        - Theo các con, làm thế nào để mời được chú cua trong chiếc giỏ này ra ngoài
nhỉ.
* Hoạt động 3: Câu hỏi phát huy khả năng tìm tòi, tư duy, dự đoán, suy luận, phân biệt, so sánh.
        - Cô cho trẻ cầm, nắm, ngắm....quan sát đối tượng khám phá.
        - Đặt câu hỏi:
        + Câu hỏi kích thích tri giác
        + Câu hỏi kích thích sự tìm tòi, tò mò và cách thức khám phá
        + Câu hỏi kích thích sự  phán đoán, dự đoán
        + Câu hỏi kích thích sự phân biệt, so sánh, suy luận, khái quát hóa
* Hoạt động 4: Cho trẻ trải nghiệm, nêu kết quả, kiểm chứng,  kết luận chung.
 ( Cô cho trẻ về nhóm để trực tiếp trải nghiệm với đối tượng KP)
- Thí nghiệm:
        VD:  Sự biến đổi màu sắc
        + Trứng chìm- trứng nổi
        + Thả các loại giấy vào chậu nước xem giấy nào tan nhanh hơn?...................
- Thử nghiệm
        VD: KP về đôi bàn tay
        + Nắm , mở bàn tay, cảm nhận nước nóng nước lạnh.
        KP đôi mắt (Mũi):
        + Nhắm mắt, mở mắt (Bịt mũi).
        * Lưu ý: ( có thể  linh hoạt sử dụng cả hai phương pháp thí nghiệm và thử nghiệm hoặc chỉ sử dụng 1 trong 2 phương pháp đó, tùy vào đề tài hay đối tượng khám phá)
- Nêu kết quả:
        Cô cho trẻ nêu kết quả sau khi trải nghiệm hoặc có thể cho trẻ lập bảng khám phá và trình bày kết quả.
        - So sánh, kiểm chứng với ý kiến ban đầu:
        Cho trẻ đối chiếu với ý kiến của các bạn hoặc các nhóm khác hoặc đối chiếu với ý kiến ban đầu trước khi được trải nghiệm.
        - Cô Thống nhất và kết luận:
        Cô chốt lại những thông tin khám phá cần thiết về đối tượng.
* Hoạt động 5: Mở rộng kiến thức (bằng cách cô đưa ra thêm 1 số câu hỏi khó hoặc cho trẻ đặt thêm các câu hỏi thắc mắc muốn biết thêm)
        - Các con muốn biết thêm điều gì về con (cái, quả…) này nữa nào?
        - Các con có điều gì chưa rõ về  (cái, quả…)này?
        - Hoặc cô mở rộng kiến thức cho trẻ bằng các câu hỏi khoa học như:
        - Tại sao lá cây lại đổi màu về mùa thu?
* Hoạt động 6: Trò chơi củng cố, HĐ bổ trợ.
        GV lựa chọn các trò chơi phù hợp với đối tượng, đề tài khám phá và phù hợp với trẻ (Không nhất thiết các trò chơi đều phải mang tính động cao)
3. Kết thúc: Nhận xét, chuyển hoạt động.
* Đặc biệt trong tiết học cho trẻ khám phá, việc gây hứng thú cho trẻ vào giờ học một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn là một việc làm cần thiết khi tổ chức dạy trẻ.
Ví dụ 1 : Dạy trẻ khám phá nghề quạt: tôi tạo tình huống mời trẻ đến tham dự Liveshow “Tinh hoa nghề Việt” giao lưu khách mời là nghệ nhân xem biểu diễn bài “múa quạt”. trẻ vừa xem vừa phát biểu cảm nghĩ vừa trải nghiệm về nghề quạt điều đó đã làm cho trẻ thực sự thích thú và tích cực tham gia vào hoạt động khám phá.
Đồng thời tôi còn sử dụng nhiều biện pháp gây hứng thú trong giờ học như ảo thuật, câu đố, các bài hát nước ngoài… làm sao để trẻ thực sự hứng thú tích cực tham gia các hoạt động khám phá mà tôi đã xây dựng
* Sử dụng trò chơi để thu hút trẻ tham gia vào tiết học khám phá:
Đối với trẻ mầm non “Chơi mà học, học mà chơi”. Sau thời gian trò chuyện, đàm thoại và khám phá về các sự vật hiện tượng... cô có thể cho trẻ tham gia vào một số trò chơi, để trẻ có nhiều cơ hội bộc lộ khả năng của bản thân và những vốn kiến thức đã tích lũy được. Ngoài ra trò chơi còn có tác dụng củng cố, bổ xung và phát triển thêm các tri thức mà trẻ vừa lĩnh hội, tái tạo lại biểu tượng đã học thông qua những hoạt động thực tiễn. Do đó trò chơi trong giờ hoạt động khám phá là rất quan trọng. Trò chơi càng phong phú đa dạng bao nhiêu thì các tri thức trẻ lĩnh hội càng sâu sắc và càng nhớ lâu bấy nhiêu.
 Ví dụ:  Trò chơi : Thử tài bé yêu
a. Mục đích :
- Trẻ biết đặc điểm đặc trưng của bánh chưng là hình vuông, có màu xanh, bên trong có gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn.
- Trẻ biết gọi tên các nguyên liệu để làm bánh chưng như: lá rong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, dây lạt…
-  Phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ quy trình làm bánh chưng: xếp lá, đổ nhân, gói bánh, luộc bánh.
b. Chuẩn bị : Powerpoint các nguyên liệu và quy trình gói bánh trưng cho trẻ
c. Cách chơi:
 Cô cho trẻ về ngồi quanh cô, nhiệm vụ của trẻ là phải tìm đúng các nguyên liệu làm bánh chưng và sắp xếp đúng quy trình gói bánh trưng trên máy tính. Nếu
trẻ chọn sai sẽ được chọn lại.
Việc sử dụng nhiều hình thức để thu hút trẻ tham gia vào hoạt động khám phá là một việc làm hết sức cần thiết và mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy trẻ, với tấm lòng yêu nghề, với sự miệt mài tìm kiếm và sự lỗ lực của bản thân mà các giờ học khám phá của lớp, tôi đã tổ chức thành công góp phần vào công tác nâng cao chất lượng giáo dục của trường cũng như của ngành phát động, được nhà trường và chị em đồng nghiệp tin tưởng và học tập.
         3.5. Biện pháp 5: Phối hợp với phụ huynh học sinh để nâng cao hiệu quả hoạt động khám phá cho trẻ.
         Để nâng cao chất lượng hoạt động của trẻ trong trường mầm non để có sự
giáo dục toàn bộ giữa gia đình và nhà trường. Gia đình phối hợp với cô giáo để quan tâm đế chế dộ ăn, chế độ sinh hoạt của trẻ về việc dạy trẻ cách ứng sử đúng đắn, giáo dục lòng yêu thương con người và sự vật xung quanh mình.
Giáo viên trao đổi với các bậc phụ huynh để phụ huynh giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, tư duy của trẻ trong việc khám khá sự vật hiện tượng xung quanh ở mọi lúc mọi nơi.
         Ví dụ: “Khám phá sự kỳ diệu của màu nước” tôi có thể nhờ phụ huynh sưu tầm một số vỏ hộp sữa chua, hay nắp chai để dùng làm dụng cụ đựng mầu cho trẻ pha rất tốt.
         Ngoài ra tôi còn kết hợp trao đổi với phụ huynh dưới nhiều hình thức như: Thư ngỏ, qua buổi họp phụ huynh, bằng hình thức qua tin nhắn, Zalo. Tôi thấy rằng qua  những trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh từ đầu năm học đến thời điểm hiện tại thì tất cả các bậc phụ huynh trong lớp tôi đều rất phấn khởi và hợp tác với các cô giáo để giáo dục trẻ giúp trẻ phát triển 1 cách toàn diện, góp phần đẩy mạnh chất lượng dạy trẻ để trẻ tích cực hoạt động khám phá tại nhóm lớp theo hướng thực chất và bền vững.
         Trên đây là một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cho trẻ hoạt động khám phá mà tôi đã học hỏi nghiên cứu và thực hành trên lớp trong 1 năm qua.
 4. Khả năng áp dụng skkn
Các biện pháp trên được ứng dụng và giúp trẻ làm quen với hoạt động khám phá, giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng về thế giới tự nhiên xung quanh trẻ mang lại hiệu quả cao trong việc cho trẻ tiếp xúc với hoạt động khám phá trong trường. Đồng thời cũng giúp trẻ luôn tìm tòi, học hỏi suy nghĩ, phát hiện những điều hay, những cái mới về thế giới xung quanh trẻ. Tôi nghĩ kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng cho độ tuổi 4- 5 tuổi và các độ tuổi khác trong trường mầm non.
III. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận                                               
Qua những biện pháp tôi nghiên cứu áp dụng vào lớp mình tôi thấy chất lượng về hoạt động khám phá được tăng lên rõ dệt. Trẻ rất hào hứng tham gia các hoạt động khám phá, trẻ rất mạnh dạn, tự tin, trẻ rất thích quan sát, phỏng đoán, suy luận....giải quyết các vấn đề qua các hoạt động, trò chơi khám phá . Cụ thể qua kết quả sau:
* Số liệu sau khi thực hiện các giải pháp khi đưa SKKN vào áp dụng:
(Tổng số trẻ điều tra 35/35 cháu = 100%)

Nội dung khảo sát
 
Kết quả cuối năm
Đạt Không đạt
Số trẻ % Số trẻ %
Trẻ tích cực, tập trung, chú ý 33/35 94,2% 2/35 5,8%
Khả năng quan sát 32/35 91,4% 3/35 8,6%
Khả năng phân loại 30/35 85,7% 5/35 14,3%
Khả năng so sánh 29/35 83% 6/35 17%
Khả năng phỏng đoán 30/35 85,7% 5/35 14,3%
Khả năng suy luận 28/35 80% 7/35 20%
Khả năng giải quyết vấn đề 33/35 94,2% 2/35 5,8%
Khả năng giao tiếp 30/35 85,7% 5/35 14,3%
* Bảng so sánh đối chiếu trước và sau khi thực hiện các giải pháp SKKN
(Tổng số trẻ điều tra 35/35 cháu = 100%)

Nội dung khảo sát
 
Đạt Không đạt
Số trẻ Số trẻ
Đầu năm Cuối năm Đầu năm Cuối năm
Trẻ tích cực, hứng thú. 20 57,1% 33 94,2% 15 42,8% 2 5,8%
Khả năng quan sát 19 54,2% 32 91,4% 16 45,7% 3 8,6%
Khả năng phân loại 18 51,4% 30 85,7% 17 48,5% 5 14,3%
Khả năng so sánh 18 51,4% 29 83% 17 48,5% 6 17%
Khả năng phỏng đoán 17 48,5% 30 85,7% 18 51,4% 5 14,3%
Khả năng suy luận 15 42,8% 28 80% 20 57,1% 7 20%
Khả năng giải quyết 21 60% 33 94,2% 14 40% 2 5,8%
Khả năng giao tiếp 18 51,4% 30 85,7% 17 48,5% 5 14,3%
Sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu“ Một số biện pháp phát huy tính tích cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi ở trường mầm non” năm học 2019 - 2020. Tôi đã thu được những nhận thấy:
* Đối với trẻ: Qua những thí nghiệm trẻ đã thực sự được trải nghiệm và tích luỹ được một khối lượng kiến thức, từ đó thoả mãn nhu cầu của mình.
- Qua những thí nghiệm trẻ đã thực sự được trải nghiệm và tích luỹ được một khối lượng kiến thức, từ đó thoả mãn nhu cầu của mình.
- Khả năng , quan sát, so sánh, phân tích suy luận… tốt hơn rất nhiều.
- Trẻ hứng thú, mạnh dạn giao tiếp khi tham gia hoạt động khám phá.
* Đối với giáo viên: Đã có một lượng kiến thức nhất định để truyền thụ cho
trẻ một cách tốt nhất, giáo viên đã coi hoạt động khám phá là hoạt động rất  quan trọng và cần thiết.
- Luôn tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động một cách phù hợp từ đó trẻ tiếp
thu bài tốt hơn. Có nhiều tiết dạy khám phá tốt.
- Được phụ huynh và học sinh tin yêu. Cô và trẻ giao tiếp cởi mở, niềm nở, gần gũi.
* Đối với phụ huynh: Đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động khám phá từ đó luôn tạo điều kiện cho con khám phá ở mọi lúc mọi nơi.
 - Sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua đồ dùng cho hoạt động khám phá.
2. Bài học kinh nghiệm
- Bản thân phải yêu nghề mến trẻ. Hiểu biết tâm lý trẻ để có phương pháp giáo dục tốt nhất. Có kỹ năng sư phạm để sử lý tình huống trong tiết học.
- Đồ dùng giảng dạy phải đẹp, có sáng tạo, gợi mở tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ tiếp xúc với sự vật hiện tượng.
- Bản thân tôi phải nắm chắc phương pháp bộ môn, khảo sát kỹ chất lượng đầu năm có kế hoạch dạy trẻ phù hợp. Tự bồi dưỡng chuyên môn, luôn thay đổi hình thức, tạo tình huống bất ngờ để thu hút sự chú ý của trẻ vào bài học.
- Tích cực cho trẻ được trải nghiêm, tham gia thí nghiêm, quan sát vật thật.
- Làm tốt công tác tuyên truyền  kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường  nhằm kích thích sự phát triển của trẻ.
3. Khuyến nghị .
- Nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi kiến tập bồi dưỡng chuyên môn về hoạt động khám phá trong trường mầm non để cho 100% giáo viên được học tập.
- Tổ chức cho các con đi thăm quan, giã ngoại, trải nghiệm thực tế. Trẻ lớp tôi rất hào hứng tham gia vào các giờ học khám phá.
Trên đây là: Một số biện pháp phát huy tính tích cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4- 5 tuổi ở trường mầm non”. Rất mong sự góp ý của BGH giúp tôi làm phong  phú hơn kinh nghiệm giảng dạy hoạt động khám phá nói riêng và các hoạt động khác nói chung.                   
 Tôi xin chân thành cảm ơn

Thanh Oai, ngày 10 tháng 4 năm 2020
Tôi xin cam đoan đây là bài viết sáng kiến kinh nghiệm của tôi không có sự sao chép nội dung. Nếu có sự sao chép tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài sáng kiến kinh nghiệm này.
Người viết
( Ký ,ghi rõ họ tên)




Nguyễn Thị Bích Giang
 
  Thông tin chi tiết
Tên file:
SKKN:“ Một số biện pháp phát huy tính tích cực trong hoạt động khám phá cho trẻ 4-5 tuổi ở trường mầm non”
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
Nguyễn Thị Bích Giang (giang3121988@gmail.com)
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Sáng kiến kinh nghiệm
Gửi lên:
15/04/2023 02:16
Cập nhật:
15/04/2023 02:16
Người gửi:
mndanhoa
Thông tin bản quyền:
N/A
Dung lượng:
169.41 KB
Xem:
384
Tải về:
2
  Tải về
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về file này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá File

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay458
  • Tháng hiện tại10,839
  • Tổng lượt truy cập233,106
Liên hệ với chúng tôi

Trường Mầm non Dân Hoà


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây